Một số nội dung về chính sách thuế tháng 01/2022
A/ VỀ THUẾ THU NHẬP CÁ NHÂN
1. Chính sách thuế đối với hộ kinh doanh:
Tổng cục Thuế có công văn số 5134/TCT-DNNCN ngày 28/12/2021 hướng dẫn chính sách thuế đối với hộ kinh doanh.
Theo đó, trường hợp hộ kinh doanh trong năm có thay đổi hình thức kinh doanh từ bán lẻ sang hợp đồng đại lý bán đúng giá hưởng hoa hồng thì giá tính thuế là tiền công, tiền hoa hồng thu được từ hoạt động đại lý (không bao gồm giá trị hàng hóa). Cơ quan thuế căn cứ tình hình thực tế để thực hiện điều chỉnh doanh thu khoán theo quy định. Đối với doanh thu chịu thuế phát sinh từ hoa hồng đại lý sẽ áp dụng mức thuế suất của hoạt động dịch vụ theo quy định tại phụ lục Phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư 92/2015/TT-BTC ngày 15/06/2015 của Bộ Tài chính (từ ngày 01/08/2021 áp dụng theo Thông tư số 40/2021/TT-BTC ngày 01/06/2021 của Bộ Tài chính)
2. Chính sách thuế thu nhập cá nhân đối với khoản chi trả cho cá nhân cung cấp dịch vụ không thường xuyên
Tổng cục Thuế có công văn số 4910/TCT-DNNCN ngày 15/12/2021 hướng dẫn Công ty Cổ phần Giao Hàng Tiết Kiệm về chính sách thuế TNCN.
Theo đó, trường hợp Công ty chi trả dịch vụ cho cá nhân không kinh doanh thực hiện giao nhận hàng hóa cho khách hàng thì khoản chi trả này thuộc diện điều chỉnh của Luật thuế TNCN từ tiền lương, tiền công. Công ty có trách nhiệm khấu trừ thuế TNCN theo hướng dẫn tại điểm i, khoản 1, Điều 25 Thông tư số 111/2013/TT-BTC ngày 15/8/2013 của Bộ Tài chính nêu trên.
B/ VỀ THUẾ THU NHẬP DOANH NGHIỆP
1. Về tỷ giá quy đổi thu nhập ở nước ngoài, số thuế TNDN đã nộp ở nước ngoài:
Tổng cục Thuế có công văn số 5134/TCT-DNL ngày 29/12/2021 hướng dẫn Cục Thuế TP Hà Nội về tỷ giá quy đổi thu nhập ở nước ngoài, số thuế TNDN đã nộp ở nước ngoài.
Theo đó, trường hợp Ngân hàng có thành lập chi nhánh tại nước ngoài, sau khi có báo cáo quyết toán thuế ở nước ngoài, Ngân hàng thực hiện quy đổi thu nhập ở nước ngoài và số thuế TNDN đã nộp ở nước ngoài theo tỷ giá phù hợp với quy định của pháp luật tại thời điểm Ngân hàng ghi nhận hạch toán kế toán tại Việt Nam. Đối với loại ngoại tệ không có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam thì phải quy đổi thông qua một loại ngoại tệ có tỷ giá hối đoái với đồng Việt Nam.
C/ VỀ HÓA ĐƠN:
1.Về việc hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử:
Tổng cục Thuế có công văn số 5113/TCT-CS ngày 27/12/2021 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng, Phú Thọ, Bình Định hướng dẫn hướng dẫn một số nội dung về hóa đơn điện tử.
Theo đó, Tổng cục Thuế hướng dẫn xử lý một số vấn đề khi áp dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ như sau:
-
Về việc gửi Thông báo tiếp nhận và kết quả xử lý về việc hóa đơn điện tử đã lập có sai sót cho NNT.
-
Về việc không sử dụng hóa đơn đã thông báo phát hành theo Nghị định số 51/2020/NĐ-CP, Nghị định 04/2014/NĐ-CP sau khi người nộp thuế đã đăng ký thành công sử dụng hóa đơn điện tử theo Nghị định 123/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2020 của Chính phủ và cơ quan thuế đã gửi thông báo chấp nhận tới người nộp thuế.
-
Về việc sử dụng phần mềm kế toán khi sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế.
-
Về việc đăng ký sử dụng đồng thời 2 loại hóa đơn điện tử có mã và không có mã của cơ quan thuế.
-
Về việc sử dụng nhiều hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi đề nghị cấp hóa đơn điện tử theo lần phát sinh.
-
Về việc cơ quan thuế thông báo NNT áp dụng dụng hóa đơn điện tử có mã nhưng NNT đăng ký áp dụng hóa đơn điện tử không mã.
-
Về việc sử dụng hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp có sử dụng chung phần mềm kế toán, phần mềm lập hóa đơn cho toàn bộ hệ thống từ Công ty mẹ đến các Chi nhánh, Công ty con.
D./ VỀ QUẢN LÝ THUẾ
1. Chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp:
Tổng cục Thuế có công văn số 5115/TCT-CS ngày 27/12/2021 gửi Cục Thuế TP Hà Nội về việc giải đáp chính sách thuế sử dụng đất phi nông nghiệp.
Theo đó, đất của dự án đầu tư phân kỳ theo đăng ký của nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt thì áp dụng mức thuế suất sử dụng đất phi nông nghiệp 0,03%. Trường hợp dự án đầu tư sử dụng đất chưa đúng phân kỳ hoặc không có phân kỳ và chưa đưa vào sử dụng theo đúng quy định thì thuộc đối tượng áp dụng mức thuế sử dụng đất phi nông nghiệp 0,15%.
2. Về cưỡng chế nợ thuế:
Tổng cục Thuế có công văn số 5126/TCT-PC ngày 28/12/2021 gửi Cục Thuế TP Hà Nội về cưỡng chế nợ thuế.
Theo đó, văn bản đề nghị thực hiện đôn đốc và cưỡng chế về thuế của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được giao nhiệm vụ quản lý thu khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước không phải quyết định hành chính do cơ quan thuế ban hành nên cơ quan thuế không có thẩm quyền ban hành quyết định cưỡng chế thi hành các văn bản trên. Trường hợp cơ quan nhà nước có thẩm quyền có văn bản đề nghị đôn đốc và cưỡng chế đối với các khoản thu khác thuộc ngân sách nhà nước do cơ quan thuế quản lý thu hoặc ra thông báo thu thì cơ quan thuế thực hiện các biện pháp đôn đốc và ban hành thông báo tiền thuế nợ để áp dụng các biện pháp cưỡng chế theo đúng quy định.
3. Về việc triển khai thi hành Luật số 67/2020/QH14 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP
Tổng cục Thuế có công văn số 5109/TCT-PC ngày 24/12/2021 gửi Cục Thuế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương hướng dẫn triển khai thi hành Luật số 67/2020/QH14 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP.
Theo đó:
-
Về thời hiệu xử lý vi phạm hành chính về hóa đơn: Áp dụng quy định về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về hóa đơn 02 năm theo Luật số 67/2020/QH14 và Nghị định số 102/2021/NĐ-CP.
-
Về hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn: Lưu ý một số hành vi vi phạm hành chính về hóa đơn mới được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định số 102/2021/NĐ-CP:
+ Trừ 02 trường hợp quy định cụ thể tại khoản 1 Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19/10/2021, các hành vi cho, bán hóa đơn khác bị xử phạt theo quy định tại khoản 2 Điều 22 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 2 Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP)
+ Hành vi lập hóa đơn không ghi đầy đủ các nội dung bắt buộc trên hóa đơn theo quy định (được bổ sung tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP)
+ Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập nhưng chưa khai thuế (được bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP).
+ Hành vi làm mất, cháy, hỏng hóa đơn đã lập, đã khai thuế trong quá trình sử dụng hoặc trong thời gian lưu trữ quy định tại khoản 4 Điều 26 Nghị định số 125/2020/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 1 Nghị định số 102/2021/NĐ-CP).
-
Về thời hạn ra quyết định xử phạt: áp dụng thời hạn ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo Luật số 67/2020/QH14, cụ thể: Thời hạn ban hành quyết định xử phạt là 07 ngày làm việc. Trường hợp phải chuyển hồ sơ đến người có thẩm quyền xử phạt thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 10 ngày làm việc. Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật xử lý vi phạm hành chính thì thời gian ra quyết định xử phạt là 01 tháng. Đối với vụ việc mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu giải trình hoặc phải xác minh các tình tiết có liên quan quy định tại Điều 59 của Luật xử lý vi phạm hành chính mà đặc biệt nghiêm trọng, có nhiều tình tiết phức tạp, cần có thêm thời gian để xác minh, thu thập chứng cứ thì thời hạn ra quyết định xử phạt là 02 tháng.
-
Về miễn giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn: Thực hiện miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn; thẩm quyền, trình tự, thủ tục miễn, giảm tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn thực hiện theo quy định của Luật xử lý vi phạm hành chính (đã được sửa đổi, bổ sung tại Luật số 67/2020/QH14). Mức miễn, giảm tiền phạt tối đa bằng số tiền phạt trong quyết định xử phạt và không quá giá trị tài sản, hàng hóa bị thiệt hại, sau khi trừ đi giá trị được bảo hiểm, bồi thường (nếu có).
Đối với hồ sơ đề nghị miễn tiền phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn đã được cơ quan thuế tiếp nhận trước ngày 01/01/2022 thì áp dụng Nghị định số 125/2020/NĐ-CP ngày 19 tháng 10 năm 2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn để giải quyết theo quy định.
E/ VẤN ĐỀ KHÁC CÓ LIÊN QUAN
1. Mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19
Ngày 24/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 120/2021/TT-BTC quy định mức thu một số khoản phí, lệ phí nhằm hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho đối tượng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 đến hết ngày 30 tháng 6 năm 2022.
2.Về việc bãi bỏ Thông tư số 146/2014/TT-BTC ngày 06/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Ngày 17/12/2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 114/2021/TT-BTC bãi bỏ Thông tư số 146/2014/TT-BTC ngày 06/10/2014 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn chế độ tài chính đối với công ty chứng khoán, công ty quản lý quỹ.
Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1 tháng 2 năm 2022 và áp dụng từ năm tài chính 2022.
3. Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Ngày 23/12/2021 Chính phủ ban hành Nghị định số 118/2021/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022.
- Các quy định tại điểm a khoản 1, các khoản 2 và 4 Điều 15 Nghị định này có hiệu lực thi hành đối với các quyết định trong xử phạt vi phạm hành chính được ban hành kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2021.
- Nghị định này thay thế Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính và Nghị định số 97/2017/NĐ-CP ngày 18 tháng 8 năm 2017 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 81/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 7 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Xử lý vi phạm hành chính.
4. Quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Ngày 28/12/2021, Chính phủ ban hành Nghị định số 122/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2022 và thay thế Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư.
- Đối với hành vi vi phạm xảy ra trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực mà bị phát hiện hoặc xem xét ra quyết định xử phạt khi Nghị định này đã có hiệu lực thì áp dụng quy định của Nghị định này để xử lý nếu Nghị định này không quy định trách nhiệm pháp lý hoặc quy định trách nhiệm pháp lý nhẹ hơn.
- Đối với các quyết định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư đã được ban hành hoặc được thi hành xong trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thi hành mà cá nhân, tổ chức bị xử phạt vi phạm hành chính còn khiếu nại thì áp dụng quy định của Nghị định số 50/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 6 năm 2016 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế hoạch và đầu tư để xử lý.
5. Quy định chi tiết thi hành một số điều của luật kinh doanh bất động sản.
Ngày 06/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị định số 02/2022/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật kinh doanh bất động sản.
Nghị định này có hiệu lực từ ngày 01 tháng 3 năm 2022.
Nghị định này thay thế Nghị định số 76/2015/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2015 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Kinh doanh bất động sản.
Kể từ ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành, các quy định về điều kiện của tổ chức, cá nhân kinh doanh bất động sản, việc lập và ký kết các hợp đồng kinh doanh bất động sản, việc chuyển nhượng hợp đồng mua bán, thuê mua nhà ở hình thành trong tương lai, thuê mua nhà, công trình xây dựng có sẵn, việc chuyển nhượng toàn bộ hoặc một phần dự án bất động sản được quy định trong các Nghị định của Chính phủ, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, các văn bản quy phạm pháp luật do các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành mà có nội dung thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định này thì thực hiện theo quy định của Nghị định này.